April 21, 2017

BÀN VỀ VÀI CÂU SẤM TRẠNG TRÌNH


Đôi lời phi lộ: Trong sử sách cũng như trong dân gian vẫn lan truyền một số câu được cho là “Sấm Trạng Trình”, trong đó có 2 câu nổi tiếng nhất và có thể kiểm chứng được: 1. “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo. Giữ chùa thờ phật thì ăn oản” và 2. “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”. Những câu nói này có cách đây gần 500 năm. Kẻ hậu sinh này xin được đem ra bàn lại, mục đích là tìm hiểu thêm ý của người xưa và cũng là bài học cho thời nay.

1. Giữ chùa thờ phật thì ăn oản



Sử sách chép đại ý: “Vua Lê Trung Tông mất mà không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê, nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không nói năng gì, mà dẫn sứ giả ra chùa thắp hương, rồi bảo: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo”. Rồi Trạng lại sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ và nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn. Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm”.

Người đời sau coi những câu: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo” và “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản” là một loại sấm kí, phải có hiểu biết siêu phàm, hay nắm được một cuốn sách cực kì quý hiếm, mà nay đã không còn, ví dụ, Thái Ất Thần Kinh, thì mới nói được những câu như thế. Nhưng, có phải như thế không?

Đọc sách, thấy các thuyết khách thời Chiến quốc như Trương Nghi, Tô Tần hay Quách Gia (quân sư của Tào Tháo) đều không thấy nói họ tìm được cuốn sách hiếm nào mà luôn luôn sử dụng trí tuệ để phân tích. Vậy, xin bắt chước họ, phân tích trường hợp này xem kết quả ra sao.

Khi thấy người tự nhận là sứ giả của Chúa Trịnh tới, một người thông thái như Nguyễn Bỉnh Khiêm biết ngay rằng họ đến vì hai lí do: Thăm dò thái độ của giới sĩ phu và tham khảo kế sách. Nếu là Trương Nghi, Tô Tần hay Quách Gia và những chiến lược gia thời cận đại thì họ sẽ mời sứ giả vào phòng kín và hỏi: “Chủ anh muốn cướp ngôi nhà Lê, cho nên sai anh đến tham khảo ý kiến ta phải không?” Mặt sứ giả sẽ tái đi. Khi đó, chủ nhà sẽ lôi từ trong ngăn kéo ra một tấm bản đồ và bảo (các tên đất ở đây chỉ là giả định, chỉ là minh họa cho phương pháp phân tích mà thôi): “Xem này, hiện nay nhà Chúa đang nắm được Kinh thành và mấy tỉnh như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang…; Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn Tây.. nằm trong tay hoàng tộc nhà Lê; các tỉnh như Nam Định, Hải phòng, Thái Bình… đều là do con cháu những người đã nhiều đời ăn lộc nhà Lê nắm giữ. Như vậy, tương quan Trịnh – Lê là 3/2. Nếu chiến sự nổ ra thì cũng chưa biết bên nào sẽ thắng. Hiện nay, quyền hành đã nằm cả trong tay chủ của anh rồi, ngôi vua chỉ là bù nhìn, dân tình đã khổ vì nhà Mạc, xin đừng làm cho họ khổ thêm nữa. Vì vậy hãy nhắn với chủ của anh: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”. Mà cũng có thể tương quan lực lượng lúc đó đã nghiêng hẳn về nhà Trịnh, việc thoán đoạt sẽ dễ như trở bàn tay thì với lòng trung quân, ái quốc và thương dân vốn có của mình, nhất định Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng sẽ bảo: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”

2. Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân

Sử sách còn chép: “Năm 1568, khi Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, bèn sai người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ấy đã 77 tuổi, đang ở ẩn tại Bạch Vân am. Trạng Trình cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: ‘Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân’, nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng nên nhà Nguyễn ở phương Nam”.

Giả sử, sứ giả của Nguyễn Hoàng không tới gặp Trạng Trình mà tới gặp Trương Nghi, Tô Tần hay Quách Gia và những chiến lược gia thời cận đại, những người biết rõ rằng Nguyễn Hoàng đang tìm cách thoát thân, thì họ sẽ hành xử ra sao?

Họ cũng sẽ đưa sứ giả vào phòng kín rồi mang ra một tấm bản đồ và bảo: “Xem này, các triều trước của Đại Việt ta đã chiếm được đất từ đèo Ngang trở vào, nhưng đường vào đó rất hiểm trở. Vùng này chủ yếu là khu đệm, ngăn quân Chiêm Thành đánh ra Bắc là chính, chứ thuế khóa chẳng thu được bao nhiêu, quân lính vùng đó cũng là để bảo vệ khu vực đó chứ ít khi phải tòng chinh ra miền Bắc. Triều đình cũng ít quan tâm tới vùng này. Nếu bây giờ chủ ngươi xin vào trấn thủ vùng đó thì chắc chắn ông anh rể sẽ cho. Đấy là mũi tên bắn trúng hai con chim: Vừa tỏ ra là người có đạo đức, khoan dung với em vợ, vừa giải thoát được một nỗi lo ngày đêm canh cánh bên lòng. Nếu sau này họ Trịnh đổi ý thì cũng chẳng làm gì được chủ ngươi vì từ đèo Ngang trở vào là con đường độc đạo, hẹp và rất nhiều đèo dốc, một người một ngựa thì được chứ hàng đôi hàng ba là không xong. Quân phương Nam chỉ cần đặt vài đồn tiền tiêu ở chỗ này.. chỗ này.. là có thể cản được cả một đạo quân lớn. Đường thủy cũng rất khó, thủy binh của miền Bắc vốn rất yếu. Người vùng trong hay đi biển, có thể đưa họ vào thủy quân là có thể địch được quân miền Bắc. Khi đi qua Nghệ-Tĩnh cần chiêu mộ dân lưu tán vùng đó để họ đi cùng. Sau này, cứ thể mở mang bờ cõi về phía Nam, dân Chiêm Thành trong đó rất thưa thớt, không thể đương cự được người Đại Việt… Tóm lại, chỉ cần nói với chủ ngươi: “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”, ông ấy là người thông minh, ắt sẽ hiểu”.

Sự kiện sau này diễn ra như thế nào, mọi người đều biết, không cần chép lại nữa.

Như thế, chỉ một câu nói mà Nguyễn Bỉnh Khiêm không những đã trở thành người có công đầu với nhà Nguyễn mà còn là người có công rất lớn với dân tộc Việt Nam. Cuộc chuyển quân vào Nam của Nguyễn Hoàng là cú hích cực kì quan trọng đối với quá trình mở rộng bờ cõi và Nam tiến kéo dài suốt gần một ngàn năm qua và vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Nguyễn Bỉnh Khiêm đúng là một nhà nho có lòng trung quân, ái quốc, thương dân vô bờ bến, công trạng với dân với nước thì có chép bao nhiêu cũng không đủ , có ca ngợi bao nhiêu cũng vẫn thiếu. Đáng ngưỡng mộ thay!

Còn một phiên bản nữa: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Nhưng một người tinh thông dịch lí như Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể nào lại nói một cái gì đó, một triều đại nào đó là vạn đại được (dịch là biến đổi không ngừng). Có nhiều khả năng là Nguyễn Hoàng đã tự nghĩ ra câu đó, trước hết là để động viên mình và sau nữa là động viên đám người đi theo (như ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản vẫn thường làm). Đáng tiếc là, vua chúa nhà Nguyễn về sau không hiểu thâm ý của tiền nhân, cứ đinh ninh rằng Trạng đã nói “vạn đại” rồi thì cứ việc kê gối cao mà ngủ, chẳng phải lo gì. Nhưng chẳng có gì là “vạn đại” hết, tất cả đều phải thay đổi, đều phải tùy thời mà biến đổi thì mới lâu bền được. Triều đại nhà Nguyễn đã chấm dứt vào năm 1945 chẳng phải là minh chứng cho chữ DỊCH đó sao?

Chỉ có thế thôi, có thể dùng lí trí mà tìm hiểu và giải thích chứ không cần bất kì cuốn sách kì bí nào hết. Xin hãy làm theo Immanuel Kant: “Sapere aude! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ CỦA CHÍNH MÌNH!”. HÃY THÔI Ở MÃI TRẠNG THÁI VỊ THÀNH NIÊN!

Hết.            




No comments:

Post a Comment