December 3, 2015

Chúng ta vẫn bị thuyết về giá trị lao động ám ảnh

Steven Horwitz

Phạm Nguyên Trường


Tại sao có quá nhiều sinh viên tin rằng họ phải được điểm cao hơn cho những bài viết mà họ đã mất nhiều thời gian viết như thế? Đấy không phải là tin vào chất lượng của bài làm mà là tin vào số giờ bỏ ra để làm bài.

Hiểu lầm cơ bản này về giá trị của lao động lại nằm ở trung tâm của phần phê phán chủ nghĩa tư bản của Marx.



Trung tâm của mọi thứ trên đời

Hàng ngàn năm qua, người ta tin chắc rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mặt trời quay quanh trái đất. Với sự ra đời của việc khảo sát có hệ thống, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải thích ngày càng phức tạp hơn nhằm giải thích vì sao những điều họ quan sát được về vũ trụ không nhét được vào giả thuyết đó. Khi Copernicus và những người khác đưa ra cách giải thích khác, đủ sức giải thích những sự kiện quan sát được, và đã giải thích một cách rõ ràng hơn và chính xác hơn, mô hình nhật tâm đã giành chiến thắng. Cuộc cách mạng của Copernicus đã cho khoa học không còn như xưa nữa.

Trong kinh tế học cũng có câu chuyện tương tự như thế. Hàng trăm năm qua, nhiều nhà kinh tế học tin rằng giá trị của một món hàng hóa phụ thuộc vào chi phí để sản xuất ra nó. Đặc biệt là, nhiều người tán thành thuyết về giá trị lao động, tức là thuyết khẳng định rằng giá trị của hàng hóa bắt nguồn từ số lượng lao động dùng để làm ra nó.

Tương tự như quan điểm địa tâm, học thuyết về giá trị lao động bề ngoài dường như là hợp lý, vì thường thường, dường như món hàng cần nhiều sức lao động có giá trị cao hơn. Nhưng, tương tự như những câu chuyện trong môn thiên văn học, lý thuyết ngày càng trở nên phức tạp khi nó tìm cách giải thích một số mâu thuẫn hiển nhiên. Bắt đầu từ những năm 1870, trong kinh tế học đã diễn ra cuộc cách mạng tương tự như cuộc cách mạng của Copernicus, đấy là khi lý thuyết chủ quan về giá trị (subjective theory of value) được nhiều người sử dụng để giải thích giá trị của hàng hóa và dịch vụ.

Hiện nay, thuyết về giá trị lao động chỉ còn rất ít tín đồ, đấy là nói trong số các nhà kinh tế học chuyên nghiệp, nhưng trong các môn học khác, cũng như trong dân chúng nói chung, nó vẫn được nhiều người sử dụng khi thảo luận các vấn đề kinh tế. (Lý thuyết về giá trị lao động trong việc tính điểm, như tôi đã nói ở trên, đặc biệt thông dụng trong giới sinh viên đại học.)

Bóng ma của Karl Marx (và Adam Smith)

Một trong những lý do làm cho thuyết này vẫn là cách giải thích ngấm ngầm về giá trị trong nhiều môn học khác nhau vì những môn này dựa vào người ủng hộ nổi tiếng nhất của thuyết này, người đã giúp đưa kiến thức về kinh tế học vào những môn học này: Karl Marx. Marx không phải là nhà kinh tế học duy nhất ủng hộ quan điểm này, thuyết giá trị lao động cũng không phải chỉ liên quan tới những người xã hội chủ nghĩa. Adam Smith cũng tin vào phiên bản yếu hơn của thuyết này.

Đối với Marx, thuyết này là phần quan trọng nhất của quan điểm của ông về những vấn đề của chủ nghĩa tư bản. Luận cứ cho rằng chủ nghĩa tư bản bóc lột công nhân được xây dựng chủ yếu trên quan điểm cho rằng lao động là nguồn gốc của tất cả các giá trị và lợi nhuận của nhà tư bản, vì vậy mà người công nhân - những người xứng đáng được hưởng những giá trị này đã bị tước đoạt. Khái niệm của Marx về tha hóa tập trung vào vai trò trung tâm của lao động trong việc biến chúng ta thành con người và những biện pháp mà chủ nghĩa tư bản dùng nhằm tiêu diệt khả năng hưởng niềm vui trong công việc của chúng ta và kiểm soát những điều kiện mà chúng ta sử dụng để tạo ra giá trị. Nếu không có thuyết về giá trị lao động, thì không rõ lời phê phán chủ nghĩa tư bản của Marx còn giá trị đến mức nào.

Một phần khó khăn đối với Marx và những người chấp nhận thuyết này là có quá nhiều mâu thuẫn dường như rõ ràng đến mức họ phải tạo ra những lời giải thích phức tạp để giải quyết những mâu thuẫn đó. Giải thích thế nào về giá trị của đất đai hay các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác? Giải thích thế nào về những tác phẩm nghệ thuật lớn, chẳng tốn bao nhiêu công lao động nhưng lại có giá rất cao? Giải thích thế nào sự khác biệt về tay nghề của từng cá nhân, điều đó có nghĩa là sẽ cần khoảng thời gian khác nhau để làm ra cùng một món hàng?

Những nhà kinh tế học cổ điển, trong đó có Marx, đã đưa ra những lời giải thích cho tất cả những trường hợp rõ ràng là ngoại lệ này, nhưng cũng như những giải thích ngày càng phức tạp của những người theo phái địa tâm, họ bắt đầu cảm thấy là những cách giải thích như thế không đúng và người ta bắt đầu tìm kiếm câu trả lời phù hợp hơn.

Cuộc cách mạng của trường phái Áo

Trong kinh tế học, câu trả lời xuất hiện khi, tương tự như Copernicus, một số nhà nhà kinh tế học nhận ra rằng cách giải thích cũ đã thuộc về quá khứ. Điều này đã được trình bày một cách rõ ràng trong tác phẩm của Carl Menger, cuốn Những nguyên lý của kinh tế học của ông không chỉ đưa ra lời giải thích mới về bản chất của giá trị kinh tế, mà còn tạo ra nền tảng của trường phái kinh tế học Áo.

Menger và những người khác khẳng định rằng, giá trị là chủ quan. Nghĩa là, giá trị của một món hàng không được xác định bởi những yếu tố đầu vào có tính vật lý, trong đó có lao động, giúp tạo ra nó. Thay vào đó, giá trị của một món hàng hình thành trong nhận thức của con người về tính hữu dụng của nó đối với những mục đích cụ thể mà người ta có tại một thời điểm cụ thể nào đó. Giá trị không phải là một cái gì đó khách quan và siêu nghiệm. Nó là một chức năng của vai trò mà đối tượng đóng như là phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu vốn là một phần của những mục đích và kế hoạch của con người.

Như vậy là, những người theo thuyết chủ quan cho rằng, đất đai có giá trị không phải vì số lao động dùng để cày nó, mà vì người ta tin rằng nó có thể góp phần làm thỏa mãn một số nhu cầu trực tiếp của chính họ (ví dụ như trồng cây để ăn) hoặc là nó sẽ góp phần gián tiếp nhằm thỏa mãn những mục đích khác nếu được sử dụng để trồng những loại cây để bán trên thị trường. Tác phẩm nghệ thuật có giá trị vì nhiều người cho rắng đấy là tác phẩm đẹp, nhiều công sức hay ít công sức bỏ ra không phải là vấn đề. Khi giá trị được xác định bằng phán đoán về tính hữu dụng thì sự khác biệt về chất lượng lao động không còn gây khó khăn cho việc giải thích giá trị nữa.

Thật vậy, giá trị kinh tế là phạm trù khác hẳn với những hình thức khác của giá trị, ví dụ như giá trị khoa học. Đấy là lý do vì sao người ta trả tiền để có một người lập cho họ lá số tử vi đầy đủ, mặc dù chiêm tinh học chẳng có tí giá trị khoa học nào. Điều quan trong trong việc tìm hiểu giá trị kinh tế là nhận thức về tính hữu dụng trong việc theo đuổi mục đích và kế hoạch của con người, chứ không phải giá trị “khách quan” của hàng hóa hay dịch vụ.

Lật ngược Marx

Nhưng cuộc cách mạng theo kiểu Copernicus thực sự trong kinh tế học là cách thức liên kết thuyết chủ quan về giá trị với giá trị lao động. Thay vì coi giá trị của đầu ra được xác định bởi giá trị của những yếu tố ở đầu vào như thuyết về giá trị lao động thì thuyết chủ quan về giá trị cho thấy một điều khác hẳn: giá trị của những yếu tố đầu vào như lao động được xác định bởi giá trị của đầu ra mà đầu vào góp phần tạo ra.

Món ăn ngon đắt không phải là do giá lao động của đầu bếp. Mà, lao động của đầu bếp được đánh giá cao chính là vì ông ta có thể làm ra món ăn mà công chúng thấy là rất ngon, rất đẹp hoặc có lợi cho sức khỏe.

Theo quan điểm này, lao động được tưởng thưởng theo khả năng của nó trong việc tạo ra những sản phẩm mà người khác cho là có giá trị. Khi xem xét những cách thức mà lao động kết hợp với vốn, tạo điều kiện cho lao động sản xuất ra những hàng hóa mà người ta coi là có giá trị hơn, đến lượt nó, điều này làm gia tăng thù lao cho lao động thì toàn bộ thế giới quan của Marx trở thành lộn chân lên đầu. Tư bản không bóc lột lao động. Thay vào đó, nó làm gia tăng giá trị của lao động của bằng cách cung cấp cho lao dộng những công cụ cần thiết để làm ra nhiều món hàng hóa mà người ta coi là có giá trị.

Chủ nghĩa tư bản - hiểu đúng theo thuyết chủ quan về giá trị - về cơ bản là một quá trình, qua đó, con người tìm cách sử dụng một cách tốt nhất những nguồn lực hạn chế của chúng ta nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của chúng ta. Trao đổi và giá cả thị trường là cách mà chúng ta làm cho người khác thấy được nhận thức chủ quan của chúng ta về giá trị để họ có thể tìm ra cách tốt nhất nhằm cung cấp cho chúng ta những thứ mà chúng ta coi là có giá trị nhất.

Còn phải làm nhiều việc nữa

Đối với các nhà kinh tế học, thuyết về giá trị lao động có giá trị cũng gần như quan điểm địa tâm về vũ trụ. Vì lý do đó, toàn bộ lý thuyết của Marx, và do đó, những lời chỉ trích của ông về chủ nghĩa tư bản, là đều đáng ngờ cả.

Đáng tiếc là, nhiều người, các học giả không phải kinh tế học cũng như công chúng nói chung, đơn giản là không biết gì về cuộc cách mạng tương tự như cuộc cách mạng của Copernicus trong kinh tế học. Lật đổ thuyết về giá trị lao động vẫn là nhiệm vụ tốn nhiều thời gian và có giá trị.

Steven Horwitz là Giáo sư kinh tế ở St. Lawrence University và là tác giả cuốn Microfoundations and Macroeconomics: An Austrian Perspective. Ông còn là thành viên của Quỹ giáo dục kinh tế (FEE).
Nguồn: http://fee.org/freeman/were-still-haunted-by-the-labor-theory-of-value/

No comments:

Post a Comment